You are currently viewing TỰ TRUYỆN VỀ MỘT KIẾP NHÂN SINH – (3) Hành trình về quê Nội !

TỰ TRUYỆN VỀ MỘT KIẾP NHÂN SINH – (3) Hành trình về quê Nội !

(3) Hành trình về Quê Nội !

(1978) …….

Khi lên đến Hà Nội, tất cả mọi người đều tranh thủ tìm một chỗ phù hợp chờ Tàu Thống nhất tại sảnh của sân Ga Hàng Cỏ để xếp hàng đợi đến lượt vào sân ga bước lên tàu, có thể đến hai ba ngày sau mới tới chuyến để đi, trong thời gian đó nó được Bố dẫn đến thăm ông Bác họ nhà ở Khu tập thể Kim Liên… buổi tối nó đi cùng Bố, nó cũng chỉ kịp nhìn đường qua ghế ngồi của tàu điện trên phố…thế nhưng nó đã không ở lại chơi và cũng chẳng nói cho ai biết mình đi đâu, dám bỏ đi một mình quay lại Ga Hàng Cỏ để chơi với anh Khải con Bác đang giữ đồ đạc trên sân ga, nó phụ giúp anh Khải cầm lọ mực để ghi và đánh dấu trên tất cả dụng cụ đồ đạc giường tủ của nhà nó chở đi vào Miền Nam nó còn nhớ rõ chữ ghi: “Xuân Ba xuống Diệu Trì”, …cũng chỉ là giường chiếu và Vali túi xách đựng quần áo và xoong nồi…
Khi tìm thấy nó ở Ga, cả nhà hú hồn tưởng lạc mất toi thằng nhỏ rồi… các anh chị hỏi nó diễn tả phương pháp tiếp cận và tìm đường đi rất khoa học, cứ theo đường tàu mà đi rồi sẽ đến thế, là cả nhà yên tâm….sau nó còn em trai hơn 6 tuổi và em gái đang bế trên tay mới gần 4 tuổi…ngày đó nó đi dọc đường Giải Phóng hơn 3km mới đến Ga, lúc đó nó 9 tuổi.. học lớp 2 hệ 10 năm…
Lay lắt trên Tàu sau hai ngày hai đêm thì đến Ga Đà Nẵng. Ở ga Đà Nẵng 2 ngày, nó cùng với cả gia đình lên tàu chợ về ga Quy Nhơn, đi từ sáng sớm đến 8g tối ngày đó mới về đến ga Quy Nhơn, nó được Bố giao nhiệm vụ đi cùng với mẹ qua cổng soát vé, Bố nó đi gọi xích lô rồi cả nhà được xích lô chở đi vòng qua công viên Quang Trung rồi đến đường Phan Bội Châu để về số nhà 34 Hoàng Diệu (nay là đường 31/3).
Lần đầu tiên được đi xích lô, lạ lẫm rất nhiều với nó, đường Quy Nhơn ngày đó cũng rất đẹp, hai bên đường là hàng cây to tỏa bóng qua những ánh đèn đường chiếu sáng ban đêm, nó ngồi ở phía chỗ để chân của xe xích lô, nó cảm nhận được sự bồng bềnh khác lạ so với đi tàu sau mỗi khi chiếc xích lô bon bon trên đường vượt qua những chỗ gập ghềnh dốc dốc rất mượt mà êm ái ….. đến bây giờ nó vẫn còn nhớ cái cảm giác đấy, và cũng thuộc lòng từng ổ gà, cái dốc mà sau này lớn lên đi làm cơ quan của nó lại nằm ở trên con đường đấy….
Từ ngày ấy. Nó cùng với gia đình chính thức đặt chân lên mảnh đất phương Nam – Quê Nội, rồi bắt đầu từ đó là những chuỗi ngày nó cùng với gia đình trăm bề vất vả … về vật chất, tinh thần, chỗ ăn ở, đau ốm, học hành… Nó cũng chứng kiến cảnh miệt mài cùng với gia đình rong ruổi liên tục thay đổi và chuyển chỗ ăn ở…. Cũng may mà có ông chú họ làm cán bộ của tổ dân phố đã giới thiệu để cho gia đình nó được cư ngụ một chỗ ở nhờ cố định là nhà của những người dân đã bỏ đi sau ngày giải phóng…. và bắt đầu từ đó gia đình nó thoát khỏi cái cảnh ở chui rúc dưới gầm cầu thang của cơ quan Bố nó tại số nhà 34 Hoàng Diệu….khu vực chợ lớn nơi mà nó hay thường xuyên đánh nhau với bọn tóc dài dân Miền Nam ngày nào ……
Thế là cái số nhà 219A Nguyễn Thị Minh Khai đã được nó mạnh dạn ghi chép vào tất cả các loại giấy tờ học hành của nó mãi cho đến năm 1983, khi cả gia đình nó bị người dân quay trở về đuổi ra khỏi ngôi nhà đó vì sợ cán bộ ở rồi chiếm nhà luôn. Những ngày họ tập trung về đòi lại nhà, nó ngồi một mình trên vỉa hè của hành lang nhìn qua hàng rào kẽm gai mà lòng đầy những suy nghĩ miên man, buồn bã và bất lực…  Nhưng sâu xa mà nói thì nguyên nhân chính là thấy Bố Mẹ nó mua gạch ngói góp từng đợt để tập kết tạm ở khoảng sân phía trước, chuẩn bị từng bước để xây nhà, vì Bố Mẹ nó đã xin được mảnh đất để xây nhà ở phía sau Khu làm việc của Công ty Dâu Tằm Tơ nơi mà Mẹ nó đang công tác, cách nơi nó đang ở lúc đó hơn 5km. Người ta tưởng nhầm là tập kết gạch ngói xây chiếm trên đất của họ… Quá trình xây nhà là cả một hành trình gian nan vất vả, khi ở nhà mới rồi thì năm ấy nó đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của lớp 10… Mãi về sau này thì mới được đặt tên cho số nhà là 749/45/5 Trần Hưng Đạo cho đến ngày hôm nay…

(Nguyễn Mạnh Cường – Tự truyện về một kiếp nhân sinh – 2023)

Chia sẻ mạng xã hội

Trả lời